THẤT NGHIỆP VÌ TRÔNG CHỜ, KÉN CHỌN

Chia Sẻ:

Gần 1 năm tốt nghiệp, Thái Châu – cử nhân chuyên ngành Kinh tế học, vẫn chưa có việc làm ổn định. Chuyện xin việc làm phù hợp với chuyên môn lẽ ra phải do Châu chủ động sắp xếp thì cô phó thác cho cha mẹ mọi việc, từ khâu chuẩn bị hồ sơ đến đọc báo, nhờ vả nhiều người để gửi hồ sơ xin việc. Hơn nửa năm ở nhà vì không kiếm được việc làm, Châu ngày càng tỏ vẻ cáu gắt với gia đình. Để giải tỏa những ngày nhàn rỗi và kiếm thêm thu nhập, Châu xin làm nhân viên phục vụ căng tin trong một bệnh viện tại TP Cần Thơ. Điều đáng tiếc là thay vì tranh thủ thời gian rảnh rỗi để tìm việc làm thì Châu lại la cà cùng bạn bè vui chơi. Khi được hỏi về nghề nghiệp tương lai, Châu chia sẻ: “Khi nào cha mẹ sắp xếp được việc làm thì tôi về quê đi làm, lo gì!”. Trong khi nhiều bạn bè đã có việc làm ổn định thì Châu vẫn thất nghiệp và thường có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào gia đình.

Tốt nghiệp chuyên ngành kinh doanh quốc tế, Tuấn Anh (quê ở An Giang) luôn tự tin mình sẽ tìm được một công việc như ý. Quả thật, mỗi lần gửi hồ sơ, anh đều được gọi mời phỏng vấn. Lần đầu là một công ty chế biến thủy sản, lãnh đạo công ty đánh giá cao năng lực của anh và thỏa thuận mức lương 4,5 triệu đồng mỗi tháng. Chưa đầy 2 tháng, Tuấn Anh đã chán và bỏ việc vì cảm thấy ở đây không có cơ hội thăng tiến. Lần thứ 2, xin được một chân nhân viên kinh doanh trong công ty Hàn Quốc, anh phấn khởi vì được làm việc trong môi trường quốc tế chuyên nghiệp và đúng với sở thích của mình. “Nhưng lương cứng chỉ có 5 triệu đồng đã khiến tôi thất vọng vì nhân viên kinh doanh vốn rất vất vả và áp lực doanh số khá cao” – Tuấn Anh tâm sự. Mặc dù nhà tuyển dụng thỏa thuận sẽ nâng mức lương nếu Tuấn Anh chứng tỏ khả năng làm việc nhưng anh không đủ kiên nhẫn đợi chờ. Cứ như vậy, gần 2 năm qua, Tuấn Anh vẫn nay làm việc này mai làm chỗ khác và bắt đầu ngán ngẩm với việc phỏng vấn xin việc.

Theo đại diện một số nhà tuyển dụng, có sự “lệch pha” thường gặp giữa người xin việc và nhà tuyển dụng là thu nhập. Nhiều bạn trẻ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm nhưng thường yêu cầu mức lương cao. Hơn nữa, nhiều cử nhân mới đi làm phải được đào tạo lại hoặc thường bị động trong công việc, chưa kể khi gặp phải việc khó thì than thở không làm. Một số bạn trẻ thì thiếu kiên nhẫn, không có tinh thần cầu tiến nhưng dễ tự ái nên thường nhảy việc. Bên cạnh những nguyên nhân: tình hình kinh tế khó khăn, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động, thì không thể loại trừ tâm lý kén việc, ảo tưởng về năng lực bản thân và kỹ năng mềm còn hạn chế.

Một số bạn trẻ khởi nghiệp thành công cho rằng, không có một con đường lập nghiệp nào được trải thảm đỏ mà phải vượt qua nhiều thử thách, gian khó. Thử thách đòi hỏi người trẻ vạch ra kế hoạch nghiêm túc và kiên trì thực hiện, thành quả chắc chắn sẽ tương xứng với những đóng góp của mỗi người.


Góc thông tin