NHỮNG NỖI SỢ NƠI CÔNG SỞ
Khi đi làm, chúng ta thường bàn rất nhiều câu chuyện khác nhau về bí quyết thành công trong sự nghiệp như vấn đề hiệu suất, lương bổng, thăng tiến cho đến hoà nhập văn hoá hay thích nghi môi trường. Nhưng bạn đã thử từng tìm hiểu đôi chút về một chủ đề mới thuộc khía cạnh tâm lý, được gọi tên là sự sợ hãi hay lo lắng thường thấy ở môi trường công sở?
Các chuyên gia tâm lý và tư vấn nghề nghiệp đã tổng kết được rằng người đi làm có không dưới 20 loại cảm xúc âu lo khác nhau thường trực. Những nỗi sợ này có thể ập đến với ngay cả những người trông có vẻ mạnh mẽ và đầy bình tĩnh.
1/ Sợ đặt câu hỏi
Không ít người có quan điểm sai lầm rằng mình sẽ bị xem là dốt, thiếu hiểu biết khi thường xuyên đặt câu hỏi. Tuy nhiên, bạn phải hiểu rằng người biết đặt câu hỏi hợp lý, đúng lúc chưa bao giờ bị đánh giá thấp cả. Bởi dù tài giỏi đến mấy, không ai có thể biết tất cả mọi thứ. Mỗi người sẽ có một thế mạnh và chuyên môn vượt trội riêng, bạn cần hỏi để tiếp thu những kiến thức mới. Không dám hỏi nghĩa là bạn tự tước đi cơ hội mở rộng tầm nhìn. Bạn sẽ không thể nào cải thiện và phát triển bản thân lên một tầm cao mới.
Từ hôm nay, hãy cố gắng gạt bỏ nỗi sợ này ra khỏi tâm trí, nên hỏi để học nhiều hơn! Chỉ cần nhớ đừng hỏi vô tội vạ và suy nghĩ thấu đáo trước khi hỏi để tránh đặt ra những thắc mắc ngớ ngẩn hay vô nghĩa.
2/ Sợ xuất hiện trước đám đông
Jonathan Berent, nhà tâm lý trị liệu và đồng tác giả quyển sách “Work Makes Me Nervous” (tạm dịch “Công việc khiến tôi thật căng thẳng”), đã chia sẻ rằng có đến 20% dân văn phòng mắc phải hội chứng sợ nói trước công chúng. Hành động nói này có thể bao gồm việc thuyết trình trong hội nghị, hội thảo; bày tỏ quan điểm, phát biểu ý kiến trong buổi họp; trả lời cuộc gọi nhóm từ xa (conference call). Bên cạnh đó, còn có cả trường hợp nhân viên sợ đến mức không chịu đứng một mình trước đám đông dù đó là khách hàng, đối tác hay đồng nghiệp.
Có lẽ phần lớn lý do xuất phát từ tính cách rụt rè, nhút nhát, thiếu tự tin, cảm giác ngại ngùng mắc cỡ khi phải thể hiện bản thân trước nhiều người. Từ nỗi lo là mình không thể trình bày lưu loát, trôi chảy sẽ dẫn đến cảm giác hoảng sợ rằng người khác đánh giá năng lực của mình kém cỏi. Vấn đề ở đâu, giải pháp ở đó: Hãy rèn luyện kỹ năng diễn thuyết, hùng biện và nói trước công chúng. Tập nói một mình trước, sau đó phát triển ra nhóm đông hơn. Một ngày nào đó bạn sẽ thấy việc xuất hiện trước đám đông thật ra cũng vui chứ không hề đáng sợ.
3/ Sợ giao tiếp
Có phần nào đó chung nguồn gốc với nỗi sợ đám đông, hoặc do tính cách cá nhân hướng nội, sợ giao tiếp biểu hiện qua việc bạn có xu hướng né tránh tham gia các sự kiện, hoạt động team building, trò chơi tập thể, chương trình ngoại khoá của công ty đồng thời ngại trao đổi thông tin và hầu như không dám bắt đầu những cuộc trò chuyện nhỏ với người lạ.
Giao tiếp là hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống, nó thậm chí được xem là một kỹ năng thiết yếu của mọi người đi làm. Thế nên nếu bạn có chứng sợ giao tiếp, hãy ngay lập tức tìm cách khắc phục. Bạn không có duyên ăn nói hoặc trò chuyện chưa được thu hút vẫn không có gì đáng xấu hổ, chúng ta có thể hoàn thiện dần mỗi ngày. Việc bạn sợ nói dở mà không chịu giao tiếp mới gây nên nhiều hậu quả khó lường.
4/ Sợ đưa ra phản hồi
Thật chẳng may là nỗi sợ không nên có này lại rất phổ biến! Có thể nguyên nhân là do nhiều người ngại va chạm, sợ bị ghét hoặc họ không muốn làm người khác phật lòng. Tuy nhiên, bạn có biết rằng sự tổn hại lớn hơn cả cảm giác tổn thương đó chính là sự thật bị vùi lấp, phớt lờ hay che giấu. Một môi trường phát triển lành mạnh chưa bao giờ là nơi mà mọi người chỉ thích nói những chuyện vui hay ca khen cho đẹp lòng nhau, rồi bỏ lơ những sai sót cần khắc phục. Về lâu dài, tình trạng thiếu sự góp ý đa chiều, phản hồi khách quan, tự cải tiến sẽ kéo hiệu suất của tập thể rơi tự do.
Vì vậy, hãy ghi nhớ, dù là nhân viên muốn góp ý với cấp trên hay là sếp cần nói lời nhận xét cho cấp dưới, bạn phải đủ cam đảm và lòng tin rằng mình làm việc đúng đắn. Nếu biết phản hồi đúng cách, đúng thời điểm và bằng thái độ lịch sự, đủ tôn trọng đối phương thì không có gì là sai trái hay tổn thương cả!
5/ Sợ quên
Bạn luôn bị bối rối vì mình không thể ghi nhớ tên của tất cả những người đã gặp hay từng liên hệ. Bạn hay có nỗi lo là hình như hôm nay mình đã quên làm gì đó. Sau khi hoàn tất một báo cáo hoặc gửi đi một email, bạn thường cảm giác mình bỏ sót mất chi tiết gì rồi…
Rất nhiều nỗi lo lắng tương tự vậy đã được đúc kết lại trong một vấn đề: trí nhớ. Với lịch làm việc kín mít, họp hành liên tục và tần suất email, điện thoại nhận được dày đặc mỗi ngày, nhiều người đã rơi vào trạng thái lo âu về khả năng ghi nhớ và cảm thấy bất lực trước áp lực tiêu thụ thông tin. Có thể nói chứng sợ mình quên sót hay bị bỏ rơi lại phía sau là nỗi lo chính đáng, tuy nhiên cần được kiểm soát. Thay vì cứ lo lắng, lối thoát là hãy thực hành các phương pháp khoa học giúp tăng khả năng tập trung vào mục tiêu, luyện trí nhớ, kỹ năng sắp xếp và làm việc có kế hoạch.
6/ Sợ gặp “sếp lớn”
Có một nỗi sợ thực sự rất trẻ con nhưng cực kỳ phổ biến đó chính là sợ giáp mặt những người có vị trí cao trong công ty như Ban lãnh đạo, CEO, Giám đốc… Một khi đã biết sếp thì chẳng hiểu vì sao chế độ sợ hãi luôn tự động bật lên. Không chỉ là sợ tham gia các buổi họp có sếp, mà rất nhiều người còn cố né tránh đi đến bãi giữ xe, bước ra quầy tiếp tân hoặc đơn giản là vào căn tin lấy nước uống chỉ vì biết “sếp lớn” đang ở đó.
Nhiều người đã chia sẻ rằng nhịp tim của họ sẽ đột ngột tăng nhanh, tay chân lúng túng, ánh mắt né tránh khi chẳng may một mình bước vào thang máy hay đi dọc hành lang cùng lúc với sếp. Thường thì lúc này trong đầu sẽ bật ra muôn vàn suy nghĩ: Sếp có biết tôi là ai không? Tôi có nên chào hỏi sếp không? Trang phục hôm nay tôi mặc có ổn không? Đầu tóc tôi đã chỉnh tề chưa? Sao hôm nay tôi lại mang giày này? Mặt tôi hình như trông khá buồn ngủ? Và sợ hãi nhất là, ôi hôm nay tôi đi làm trễ rồi sao?!
Phản ứng này được giải thích là do tác động của tâm lý muốn thể hiện bản thân có năng lực đồng thời bảo vệ hình ảnh tốt đẹp trong mắt người giữ “quyền sinh sát” với công việc và thu nhập của bạn. Hai nỗi lo lắng to lớn trong môi trường công sở chính là chủ nghĩa hoàn hảo và sợ tương tác với người có thẩm quyền. Sếp là đối tượng đảm bảo cả hai yếu tố này nên không quá bất ngờ. Tuy nhiên, thay vì lo sợ và né tránh, hành động chính đáng nhất ở đây là dành thời gian để nâng cao năng lực và sức mạnh thực sự của bản thân, để những lần kế tiếp có cơ hội “mặt đối mặt” cùng sếp, bạn luôn đủ tự tin toả sáng,gây ấn tượng đẹp và được yêu thích hơn.
Trên đây là một số nỗi sợ mà rất nhiều người đi làm từng trải qua. Mặc dù mỗi nỗi sợ sẽ có những biểu hiện và tác động khác nhau, nhưng có thể nói rằng nó đều xuất phát từ trở ngại tâm lý. Điểm chung trong tất cả những nỗi sợ này là chúng ta chưa đạt được trạng thái tự tin, thường hay bị tác động bởi những gì người khác nghĩ về mình mà đâm lo lắng.
Điều tích cực khi biết sợ nghĩa là bạn có nhận thức và mối quan tâm, nó báo trước khả năng chúng ta muốn được thay đổi và phát triển tốt hơn.