NGÀNH QUAN HỆ QUỐC TẾ
Nơi đào tạo: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường ĐHQT Hồng Bàng, trường ĐHDL Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM (ngành Quan hệ Quốc tế và tiếng Anh), Học viện Quan hệ Quốc tế…
Mục tiêu đào tạo
Trang bị kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn nói chung, về lịch sử dân tộc Việt Nam và các nước trọng điểm trên thế giới, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đối ngoại. Trên cơ sở đó, có kiến thức chuyên sâu và có hệ thống về khoa học quan hệ quốc tế, tập trung trong lĩnh vực chính trị quốc tế và đối ngoại.
Chuyên ngành Tiếng Anh/tiếng Pháp – Quan hệ Quốc tế: được thiết kế theo mô hình ngành chính, ngành phụ. Ngành chính nhằm đào tạo cán bộ có kiến thức chuyên sâu về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, có kỹ năng phân tích các vấn đề quốc tế một cách khoa học. Ngành phụ giúp sinh viên sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Trung).
Các môn học chuyên ngành
Một số môn học chuyên ngành: Pháp luật đại cương; Lịch sử văn minh thế giới; Cơ sở văn hóa Việt Nam; Tâm lý học đại cương; Logic học; Xã hội học đại cương; Phương pháp nghiên cứu khoa học; Quan hệ kinh tế quốc tế; Công pháp quốc tế; Tư pháp quốc tế; Lý luận Quan hệ quốc tế; Ngoại ngữ cơ sở chuyên ngành; Luật kinh tế quốc tế; Chính sách đối ngoại Việt Nam; Kinh tế đối ngoại Việt Nam; Đàm phán quốc tế; Chính trị quốc tế hiện đại; Ngoại ngữ chuyên ngành; Vấn đề xung đột hội nhập giữa các nền văn minh; Những vấn đề toàn cầu; Xung đột quốc tế; Địa chính trị – địa chiến lược; An ninh Châu Á – Thái Bình Dương; Ngoại giao và lãnh sự; Phương pháp NCKH trong QHQT;
Ngành chính: Ngữ âm-âm vị học, Ngữ pháp, Ngữ dụng học; Văn học Anh-Mỹ/Pháp, Đất nước học Anh-Mỹ/Pháp; các kỹ năng thực hành tiếng; tiếng Anh/Pháp chuyên ngành Quan hệ quốc tế; Thực hành biên dịch; Thực hành phiên dịch. . .
Ngành phụ: Lịch sử Quan hệ quốc tế, Lý luận quan hệ quốc tế, Kinh tế đối ngoại Việt Nam, Quan hệ Kinh tế quốc tế, Công pháp quốc tế, Tư pháp quốc tế, Chính sách đối ngoại Việt Nam, Báo chí và thông tin đối ngoại, Đàm phán quốc tế (Ngoại ngữ nhân hệ số 2).
Việc làm sau khi tốt nghiệp
Cử nhân Quan hệ Quốc tế có thể làm công tác đối ngoại ở các cơ quan thuộc khu vực Nhà nước và khu vực của các thành phần kinh tế khác; hoặc làm công tác phiên dịch, biên dịch, biên tập, nghiên cứu, giảng dạy các môn thuộc lĩnh vực khoa học quan hệ quốc tế tại các đơn vị của Bộ Ngoại giao, các Sở Ngoại vụ, các bộ phận đối ngoại của các cơ quan Bộ Ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp, các trường đại học, các cơ quan báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình.