NGÀNH QUẢN TRỊ NHÂN LỰC (Quản lý Lao động)
Nơi đào tạo: Trường ĐH Hoa Sen; Trường CĐ Văn thư – Lưu trữ TW 1; Trường ĐH Lao động – Xã hội (Hà Nội – CƠ sở 11 tại Thành phố Hồ Chí Minh: tuyển thí sinh có HK từ Quảng trị trở vào. Địa chỉ: số 1018 đường Tô Ký, quận 12, TP. Hồ Chí Minh).
Những yêu cầu bức thiết từ việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đã khẳng định: “cạnh tranh” là yếu tố quyết định sự sống còn, thành bại của mỗi doanh nghiệp. Hơn thế, con người được xem là nhân tố quan trọng bậc nhất cho chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh trong các tổ chức. Do vậy, vận hành có hiệu quả bộ máy nhân sự là điều mà bất cứ doanh nghiệp Việt Nam nào trong giai đoạn hiện nay cũng mong muốn sớm đạt được. Tuy vậy số liệu nghiên cứu thực tế đã cho thấy hiện nay trung bình các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ sử dụng khoảng 40% năng suất của nguồn nhân lực mà họ đang sở hữu. Nguyên nhân của vấn đề này cơ bản là do sự yếu kém về công tác quản trị nguồn nhân lực.
The Association of Business Executives đưa ra 10 mảng vấn đề cần quan tâm trong quản trị nguồn vốn con người: (l) Quản lý và lãnh đạo; (2) Trách nhiệm và bổn phận của đội ngũ quản lý; (3) Văn hoá doanh nghiệp; (4) Quản trị và động viên; (5) Tổ chức và tạo động lực làm việc; (6) Kiểm soát quản lý; (7) Quản trị và cải thiện hiệu quả công việc; (8) Qui hoạch nguồn lực con người; (9) Tuyển dụng và chọn lọc; (10) Phát triển đội ngũ nhân viên. Hy vọng sinh viện có thể nhận thức các vấn đề trên ngay khi bắt tay xây dựng sự nghiệp kinh doanh phần nào hỗ trợ các bạn quản trị hiệu quả nguồn vốn con người: nguồn lực quan trọng bậc nhất, đắt nhất và khó quản lý nhất trong doanh nghiệp.
Mục tiêu đào tạo
Đào tạo sinh viên trở thành cán bộ quản lý nhân sự có năng lực thực hiện các chức trách và nhiệm vụ: quản trị, tư vấn tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực tại các cơ quan, doanh nghiệp; quản lý, triển khai, hướng dẫn thực hiện các văn bản quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, tiền lương, các chế độ chính sách khác của người lao động; tổ chức, sắp xếp nguồn nhân lực trong cơ quan; hoạch định, tổ chức, điều hành công việc hành chính trong cơ quan.
Các môn học chuyên ngành
Một số môn học chuyên ngành: Các nguyên lý quản trị và kinh tế học cơ bản; Các công cụ phân tích và thiết kế công việc; Các nguyên lý quản trị nhân sự cơ bản và hiện đại; Qui trình quản trị nhân sự thông qua tiêu chuẩn quản trị chất lượng; Qui trình tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân lực; Qui trình đánh giá hoạt động và trả lương, phúc lợi cho người lao động; Kiến thức liên quan đến Luật lao động và Luật Công đoàn; Qui trình ký kết hợp đồng lao động và Thỏa ước lao động tập thể; Kỹ năng tiếng Anh chuyên ngành liên quan đến Quản trị nhân sự. . .
Việc làm sau khi tốt nghiệp
Cử nhân ngành Quản trị Nhân lực có thể làm cán bộ quản lý nhân sự, chuyên viên tiền lương và phúc lợi, chuyên viên phụ trách Hành chánh, chuyên viên Tư vấn Nhân sự, chuyên viên Tuyển dụng, chuyên viên Đào tạo và phát triển nhân sự, Trợ lý/thư ký cao cấp tại các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp hoặc làm các công việc khác có liên quan đến nghiệp vụ hành chính, tổ chức; trưởng phòng tổ chức hành chính . . .