NHỮNG LỖI SAI CẦN CHÚ Ý KHI VIẾT CV
Ngày nay, CV đã dần trở nên quen thuộc đối với người lao động. CV được xem là thành phần quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng quan tâm khi nhận Hồ sơ ứng tuyển, bởi nó cung cấp các thông tin quan trọng về ứng viên và giúp các nhà tuyển dụng có thể đưa ra được đánh giá bước đầu về các ứng viên trước khi lựa chọn phỏng vấn. Tuy nhiên, để có một CV hoàn chỉnh thì các bạn nên tránh một số lỗi sau đây:
PHẦN THÔNG TIN CÁ NHÂN
1. Lỗi về hình ảnh cá nhân: Ảnh mờ, không rõ ràng, không trang trọng, ảnh selfie,…
Sửa lỗi: Chọn bức ảnh phù hợp với vị trí ứng tuyển và có thể nhìn thấy khuôn mặt trực diện. Khuyến khích chọn ảnh theo tiêu chuẩn ảnh studio.
2. Tên địa chỉ mail không lịch sự và trang trọng.
Ví dụ: cobengocnghech0511@gmail.com
Sửa lỗi: Sử dụng tên của bản thân. Ví dụ: quachdinhtrong@gmail.com
3. Mục tiêu công việc chung chung, chưa thể hiện rõ ràng.
Ví dụ: Tìm kiếm vị trí phù hợp với bản thân để phát huy hết tất cả những kinh nghiệm, kĩ năng của bản thân. Từ đó hoàn thiện, trau dồi vốn sống cho bản thân.
Sửa lỗi: Mục tiêu nên đề cập đến vị trí ứng tuyển, hướng đến công việc. Ví dụ: Mong muốn được cống hiến tất cả đam mê và nhiệt huyết làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, lành mạnh và thân thiện để trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn và bản thân. Cố gắng thực hiện và hoàn thành tốt các công việc được giao. Phấn đấu trở thành cán bộ quản lý, lãnh đạo trong tương lai.
4. Thời gian không được sắp xếp theo trình tự từ thời gian gần nhất đến thời gian xa hơn.
Ví dụ trong phần kinh nghiệm làm việc:
2015-2017: Nhân viên bán hàng cửa hàng ABC
2017-2019: Nhân viên kinh doanh công ty CD
Sửa lỗi: Nên sắp xếp kinh nghiệm làm việc theo trình tự thời gian: Các hoạt động gần đây nhất được viết trước, các hoạt động trước đó viết sau. Ví dụ:
2017-2019: Nhân viên kinh doanh công ty CD
2015-2017: Nhân viên bán hàng cửa hàng ABC
Tương tự với thời gian trong phần học vấn, bằng cấp
5. Nội dung CV không liên quan đến vị trí ứng tuyển, sử dụng một CV để ứng tuyển cho nhiều vị trí ứng tuyển khác nhau.
Sửa lỗi: . CV phải được điều chỉnh cho phù hợp với các vị trí ứng tuyển khác nhau.
PHẦN HỌC VẤN
1. Đề cập đến quá trình học cấp 1, 2
Sửa lỗi: Chỉ nên đề cập trình độ học vấn từ bậc phổ thông trở lên hoặc các khóa học kỹ năng mềm, khóa học bổ trợ cho công việc (nếu có).
PHẦN KINH NGHIỆM LÀM VIỆC
1. Đưa vào CV những khoảng thời gian làm việc quá ngắn.
Ví dụ: 10/2019 – 11/2019: Nhân viên chăm sóc khách hàng | Công ty ABC
Sửa lỗi: Ngoại trừ khoảng thời gian đi thực tập, làm thời vụ. Chỉ nên đưa vào những công việc có khoảng thời gian làm việc từ 6 tháng trở lên.
2. Mô tả công việc chung chung, không cụ thể.
Ví dụ: Nhân viên Design – Marketing | Công ty TNHH Ô tô ABC
- Thiết kế website
- Thiết kế hình ảnh
Sửa lỗi: Nhấn mạnh thêm kết quả công việc: Đưa vào những kỹ năng và thành tựu đạt được để nhà tuyển dụng thấy được những giá trị cho chính bản thân bạn và công ty/tổ chức bạn đã làm việc (dẫn chứng cụ thể bằng việc thêm các con số, tên chương trình, sản phẩm…)
Ví dụ: Nhân viên Design – Marketing | Công ty TNHH Ô tô ABC
- Thiết kế website Công ty [link đính kèm]
- Thiết kế background, banner, poster cho các sự kiện [liệt kê]
- Nhân viên xuất sắc tháng/năm,…
3. Viết các đoạn quá dài và không phân chia ý rõ ràng.
Ví dụ: Trưởng nhóm, dự án ABC (5/2019-11/2019)
- Lãnh đạo nhóm
- Phân chia các công việc, giám sát công việc của từng thành viên, làm sản phẩm…, tìm kiếm đối tác khách hàng, lên kế hoạch Marketing sản phẩm.
Sửa lỗi: Ngắt nghỉ hợp lý. Các ý nên được viết rõ ràng, dưới dạng gạch đầu dòng.
Ví dụ: Trưởng nhóm, dự án ABC (2/2014-5/2015)
- Lên nội dung cho chương trình ABC
- Lên kế hoạch truyền thông, liên hệ với khách mời trước để thảo luận về chương trình
- Tìm kiếm được 10 đối tác khách hàng trong đó có các đối tác tiềm năng như: …
- Phân công và giám sát công việc của từng thành viên trong nhóm.
4. Đề cập đến yếu tố thu nhập
Sửa lỗi: Không đưa vào CV những thứ liên quan đến thu nhập, tiền công… trừ khi được yêu cầu.
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý
1. Trình bày CV lộn xộn, sai lỗi ngữ pháp khi viết CV
Sửa lỗi: Bố cục CV rõ ràng, đọc kỹ CV trước khi gửi cho nhà tuyển dụng để tránh lỗi chính tả không đáng có.
Ví dụ: Cách sắp xếp bố cục (tham khảo)
- Thông tin cá nhân
- Mục tiêu nghề nghiệp
- Trình độ học vấn
- Kinh nghiệm làm việc
- Các khóa tập huấn và chứng chỉ
- Kỹ năng
- Người tham khảo và nhận xét
2. Định dạng qua file PDF để tránh tình trạng lỗi font, format khi gửi hoặc in ấn.
3. Không nói quá hoặc nói giảm năng lực bản thân.
4. Không viết tắt, sử dụng nhiều font chữ hoặc nhiều màu.
5. Nhờ bạn bè hoặc người thân đọc và kiểm tra lại.